A. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Thực tiễn lịch sử phát triển thế giới cận, hiện đại và thực tiễn công cuộc cải cách, mở cửa, đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa diễn ra trong mấy thập niên gần đây cho thấy nông nghiệp có vị trí hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ. Trong điều kiện hiện nay các nước đều nhận thức được rằng: không có sự ổn định của nông thôn sẽ không có sự ổn định của cả nước, không có nền nông nghiệp phát triển thì nền kinh tế quốc dân khó có thể phát triển cao và ổn định. Vì thế nhiều nước đã tiến hành cải cách bắt đầu từ nông nghiệp, nông thôn dựa vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Do đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một xu thế tất yếu.
Việt Nam là một nước có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và đại bộ phận dân cư sống ở nông thôn thì nông nghiệp, nông thôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn không những quan trọng mà còn có ý nghĩa quyết định đến quy mô và tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Đây cũng là giải pháp thiết thực để xóa đói, giảm nghèo. Do xác định đúng đắn vai trò của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nên ở mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước Đảng đã đưa ra những chủ trương, chính sách đúng đắn kịp thời nhờ đó nông nghiệp, nông thôn nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, tạo tiền đề để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch chậm, công nghiệp nông thôn phát triển kém, lao động chủ yếu là thủ công, năng suất thấp, trình độ khoa học công nghệ sản suất còn nhiều mặt lạc hậu…. Chính những tồn tại này đã gây cản trở sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy sự phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn là một mối quan tâm hàng đầu của Đảng.
Yên Mỹ là một huyện của tỉnh Hưng Yên, nằm trên khu vực đồng bằng sông Hồng. Yên Mỹ không chỉ là quê hương của những nhân vật tài hoa nổi tiếng như Phạm Công Trứ, Đoàn Thị Điển, Lê Hữu Trác, Nguyễn Văn Linh… mà còn là nơi có truyền thống sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa nước, phát triển của các nghề tiểu thủ công nghiệp. Yên Mỹ có nhịp độ phát triển kinh tế, xã hội sôi động và nhiều lợi thế để phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Từ khi được thành lập đến nay Đảng bộ huyện Yên Mỹ đã luôn quan tâm lãnh đạo phát triển phát triển kinh tế ở nhiều mảng: công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, thủ công nghiệp… Trong đó, do đặc thù của huyện có tới hơn 80% dân số làm nông nghiệp, đất đai mầu mỡ, diện tích đất canh tác lớn… Đảng bộ huyện đã đặc biệt chú ý đến lãnh đạo công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó đã không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, khai thác triệt để tài nguyên phong phú, dồi dào giải quyết được vấn đề xã hội như xóa đói, giảm nghèo, chống tệ nạn xã hội, mang lại sự tin tưởng cho nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của huyện vẫn còn tồn tại vấn đề bức xúc như: nông nghiệp, nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhanh nhưng chưa vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện, việc triển khai các chương trình, dự án còn lúng túng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư chưa cao… Trong thời gian tới nếu Đảng bộ huyện Yên Mỹ đề ra được đường lối đúng đắn, phát huy tốt những thành tựu đã đạt được, khơi dậy tiềm năng mới, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, thì kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói riêng và tốc độ phát triển kinh tế nói chung của huyện sẽ có những bước phát triển to lớn.
Tác giả là một người con được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất của huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Với mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn và đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của quê hương ngày càng giàu mạnh. Trên cơ sở nhận thức nguồn lao động của huyện chủ yếu là trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn.Đây cũng là nguồn nội góp phần to lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiên đại hóa của đất nước. Xuất phát từ những lý do đó, tác giả mạnh dạn chọn đề tài: “Đảng bộ huyện Yên Mỹ lãnh đạo thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (2001-2008)”
2. Tình hình nghiên cứu của đề tài
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một vấn đề quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nên hiện nay đã có nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố. Song hầu hết các công trình đều tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của quá trình chuyển dịch, kinh nghiệm chuyển dịch của các nước trên thế giới và và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.
Về mặt lý luận: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện đại hóa ở Việt Nam, lý luận và thực tiễn (TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, NXB Chính trị Quốc gia, 2002); Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân, tập I, II (Ngô Đình Cao, NXB chính trị Quốc gia, 2002); Về đẩy nhanh công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn (TS. Nguyễn Thiện Luân, Báo Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 12 năm 2001).
Về mặt thực tiễn: Đã có nhiều công trình nghiên cứu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở một số vùng trong cả nước như công trình: Chuyển dịch cơ cấu knh tế nông thôn Bắc Trung Bộ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (TS Nguyễn Đăng Bằng, Nxb Nông nghiệp, HN, 2002 )…
Có thể thấy, các đề tài hết sức phong phú với nhiều hướng tiếp cận khác nhau… Những kết quả đạt được là hết sức quý báu gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới nhằm trực tiếp phục vụ sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước. Tuy nhiên, chưa có đề tài nào nghiên cứu một cách sâu sắc có hệ thống quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với thực tiễn lịch sử cụ thể của địa phương dưới góc độ của khoa học Lịch sử Đảng.
3. Mục đích, nhiệm vụ và giới hạn nghiên cứu của đề tài
3.1. Mục đích
Thứ nhất, trên cơ sở tổng quan về lý luận, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu về Đảng lãnh đạo công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đề tài nhằm bước đầu tìm hiểu thực trạng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở huyện Yên Mỹ. Từ đó có cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và những giải pháp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Thứ hai, làm sáng tỏ tính đúng đắn, sáng tạo trong chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Đảng bộ huyện Yên Mỹ, kết quả đạt được và một số hạn chế trong quá trình thực hiện.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được các mục tiêu nghiên cứu trên, khóa luận cần thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:
Làm rõ cơ sở khoa học của vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Quan điểm, chủ trương, quá trình tổ chức thực hiện của Đảng bộ huyện Yên Mỹ về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Kết quả đạt được và những giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong những năm tới.
3.3. Giới hạn, phạm vi nghiên cứu
Do hạn chế về nguồn tài liệu cũng như thời gian nghiên cứu nên tác giả nghiên cứu trong phạm vi thời gian từ năm 2001 đến năm 2008, phạm vi lãnh thổ nghiên cứu trên phạm vi bao quát toàn bộ 16 xã và 1 thị trấn của huyện Yên Mỹ.
4. Phương pháp nghiên cứu của đề tài
Đề tài được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận chung của khoa học xã hội là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử với các phương pháp cụ thể như: phân tích, tổng hợp, logic và lịch sử, thống kê và so sánh.
5. Nét mới của đề tài
Nếu các công trình nghiên cứu khác về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn dù tiếp cận với nhiều góc độ khác nhau nhưng nhìn chung đều mang tính tổng quát, nghiên cứu trên phạm vi rông lớn. Riêng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, hiện nay đã có một số công trình nghiên cứu về vấn đề này nhưng chủ yếu bàn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, nét mới nổi bật của khóa luận là đã nghiên cứu một cách sâu sắc quá trình Đảng bộ huyện Yên Mỹ lãnh đạo công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn dưới góc độ khoa học Lịch sử Đảng, khóa luận đã không những đánh giá được thực trạng, thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế mà còn nghiên cứu được quá trình tổ chức thực hiện lãnh đạo phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Đảng bộ địa phương.
6. Ý nghĩa của đề tài
Viết đề tài có ý nghĩa thiết thực với tác giả trong việc bước đầu làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học. Đồng thời, với đề tài này tác giả mong muốn góp phần nâng cao kiến thức khoa học cũng như phương hướng học tập, nghiên cứu, nâng cao nhận thức về Đảng nói chung và Đảng bộ huyện Yên Mỹ nói riêng trong việc giả quyết vấn đề lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay.
7. Kết cấu của khóa luận
Khóa luận được cấu trúc như sau:
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung khóa luận gồm hai chương:
Chương 1: Cơ sở khoa học để Đảng lãnh đạo thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Chương 2: Đảng bộ huyện Yên Mỹ lãnh đạo thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Loại file : word số trang : 120 Phí dowload 200.000